KẺ THUỘC VỀ MA QUỈ (I Giăng 3:12) – Ms Gs Phạm Hơn

😈KẺ THUỘC VỀ MA QUỶ😈

“Chớ làm như Ca-in, là kẻ thuộc về ma quỉ…” (IGiăng 3:12)

A-đam và Ê-va bị đuổi vĩnh viễn ra khỏi vườn Ê-đen, và tiếp tục cuộc sống hôn nhân bên ngoài. Đức Chúa Trời ban phước cho hôn nhân của họ? Khi suy nghĩ về tình trạng hôn nhân hiện hay của xã hội phương tây, chúng ta thật khó khăn để tin rằng câu chuyện hôn nhân đã từng được bắt đầu trong vườn địa đàng. Nhưng đó là sự thật. Đức Chúa Trời là chủ cho lễ hôn nhân đầu tiên khi Ngài mang Ê-va đến với A-đam. A-đam sau giấc ngủ mê đã khám phá một người nữ được đưa tới cùng ông, ông hát bài ca cho tình yêu đầu tiên và bước vào đời sống hôn nhân.

Sau đó vì tội không vâng lời, A-đam và Ê-va đã đánh mất uy quyền quản trị mà Chúa ủy thác. Bi kịch bắt đầu từ đây. Nhưng họ vẫn còn một lời hứa về một Đấng Cứu Rỗi sẽ được sinh ra và phục hồi mọi thứ mà họ đã  đánh mất. Lời hứa này sẽ được hoàn thành trong Đấng Christ (Hê-bơ-rơ 2:6-9). A-đam và Ê-va nghĩ rằng đứa con đầu tiên của họ sẽ làm trọn lời hứa trên? Nếu có suy nghĩ đó, họ đã sai vì Ca-in đã đi vào con đường lầm lạc.

1.MỘT TẶNG PHẨM TỪ CHÚA

Mặc dù phải sống bên ngoài vườn Ê-đen, A-đam và Ê-va vẫn được Đức Chúa Trời ban phước trên hôn nhân của họ, họ sẽ sản sinh ra những con cái. Vợ chồng A-đam ăn ở với nhau, và Chúa ban cho Ê-va thụ thai. Kinh Thánh không ghi lại những cảm xúc và trải nghiệm của Ê-va khi mang thai, nhưng chắc chắn Đức Chúa Trời dạy cho người nữ đầu tiên này những bài học căn bản mà nàng cần phải biết trong suốt quá trình thụ thai, sinh con và nuôi dưỡng nó. A-đam và vợ trải nghiệm đời sống hôn nhân, họ đã chia sẻ công việc sáng tạo với Đức Chúa Trời khi cho ra đời đứa con đầu tiên, Ê-va nói rằng: “Nhờ Đức Giê-hô-va giúp đỡ, tôi mới sanh được một người” (Sáng 4:1). Ê-va đã dâng vinh hiển cho Chúa khi nàng nói như thế. Ê-va đặt tên con là Ca-in có nghĩa là “kiếm được” hay “giành được”.

Từ buổi bình minh của đời sống hôn nhân gia đình, Kinh Thánh đã dạy rõ ràng rằng con cái là tặng phẩm đến từ Chúa, nó là niềm vui của cha mẹ chứ không phải là gánh nặng. Chúng ta nhớ trường hợp của Ra-chên khi cô nói chuyện với chồng, “Hãy cho tôi có con, bằng không, tôi chết”. Gia-cốp đã hỏi lại vợ mình, “Há ta được thay quyền Đức Giê-hô-va, mà không cho ngươi sanh sản sao?” (Sáng 30:1-2). Chúng ta biết rằng con người có thể tiến hành  giao phối cho việc thụ tinh trong hôn nhân, nhưng sự thụ thai thực sự đến từ cánh tay toàn năng của Đức Chúa Trời (Thi thiên 139:13-18).

[Khi con người từ chối một em bé đã hình thành trong bụng mẹ là từ chối một tặng phẩm của Đức Chúa Trời. Cũng vậy, khi con người thực hiện hành động phá thai là can thiệp vào phép lạ của Đức Chúa Trời trong việc thụ thai. Trong Sáng thế ký chương 33, Ê-sau nhìn thấy một nhóm người đang ở chung quanh Gia-cốp, ông hỏi em trai, “Các người mà em có đó là ai?” Gia-cốp trả lời, “Ấy là con cái mà Đức Chúa Trời đã cho kẻ tôi tớ anh” (câu 5). Nhiều năm sau đó, khi   Gia-cốp “nhìn  thấy các con trai Giô-sép, bèn hỏi rằng: Những đứa nầy là ai?  Giô-sép thưa rằng: Ấy là những con trai của con mà Đức Chúa Trời đã cho tại xứ nầy” (Sáng 48:8-9). Con cái thực ra là “cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra” (Thi 127:3).]

Ca-in và A-bên là những món quà mà Đức Chúa Trời gởi đến cho vợ chồng A-đam.  Con cái là những tặng phẩm quí giá của Chúa ban cho chúng ta, và khi cha mẹ “dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó” (Ê-phê-sô 6:4) khác nào con cái được dâng trở lại cho Đức Chúa Trời. Không may là Ca-in và A-bên khác biệt trong tố chất và phẩm cách, và những điều xảy ra sau đó là bài học cho chúng ta suy ngẫm hôm nay.

 2.KẺ THUỘC VỀ MA QUỈ😈

Chớ làm như Ca-in, là kẻ thuộc về ma quỉ, đã giết em mình (1 Giăng 3:12; Sáng 4). Đây là vụ giết người đầu tiên trong lịch sử loài người được Kinh Thánh ghi lại.  Khi chúng ta suy nghĩ cẩn thận về công việc của Lucifer, chúng ta biết nó là một “kẻ giả mạo”, nó dẫn đắt người ta trở thành những con cái của nó (1 Giăng 3:10).

[Trong chuyện ngụ ngôn về cỏ lùng (Ma-thi-ơ 13:24-30, 36-43), Chúa Jesus đã dạy rằng con cái Đức Chúa Trời là những tín hữu thật giống như những hạt giống lúa tốt mà Chúa đã gieo trồng trong những nơi khác nhau để sinh ra kết quả. Nhưng bất cứ ở đâu khi Chúa gieo trồng những hạt giống của Ngài, thì ma quỉ cũng đến và gieo trồng hạt giống cỏ lùng của nó. Cả hai loại hạt giống này cùng phát triển và rất khó để tách biệt ra. Nói một cách khác, có những người trên thế giới này là những Cơ đốc nhân giả mạo – và có thể họ cũng nghĩ họ là Cơ đốc nhân thật sự, nhưng rồi đến ngày phán xét cuối cùng, họ bị Chúa Jesus từ chối. Chúa phán về điều này:

“ Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.  Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao?  Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!” (Ma-thi-ơ 7:21-23)]

Khi  Giăng Báp-tít là hạt giống tốt được Đức Chúa Trời “gieo trồng”  bên bờ sông Giô-đanh, thì những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê kéo đến. Giăng gọi họ là “dòng dõi rắn lục”, con cái của ma quỉ. Chúa Jesus cũng xác nhận lại cụm từ này khi Ngài nói về người Pha-ri-si (Ma-thi-ơ 12:34; 23:33), Chúa phán thẳng thừng, “Các ngươi bởi cha mình, là ma quỉ, mà sanh ra” (Giăng 8:44). Chúa Jesus và Giăng đã không dùng những cụm từ này khi nói đến những người thâu thuế hay kỵ nữ đương thời. Chúa Jesus và Giăng chỉ dùng nó khi nói đến tầng lớp lãnh đạo trong tôn giáo tự mãn về nếp sống công bình riêng mà từ chối sự công bình của Đức Chúa Trời. Những người này mang tinh thần của Lucifer “ta sẽ làm ra mình bằng Đấng Rất cao”. Ngày nay nhiều người trong các nhà thờ rất lịch sự, chỉnh tề theo cách bề ngoài, họ giả mạo là Cơ đốc nhân tự lập sự công bình riêng của mình và khước từ sự công bình của Đức Chúa Trời (Rô-ma 10:1-4). Ca-in và A-bên cùng lớn lên trong một gia đình, được cha mẹ nuôi dưỡng và giáo dục giống nhau, nhưng hai tính cách của họ đối kháng nhau. Ca-in làm nghề nông và lấy nông sản dâng lên trước bàn thờ Đức Chúa Trời, nhưng Ngài từ chối của dâng này vì nó không được dâng lên bởi đức tin. Điều khác biệt giữa Ca-in và A-bên là đức tin. Mỗi người đều dâng lên thành quả lao động của mình, nhưng của lễ của A-bên được Chúa chấp nhận vì ông đang thực hành đức tin. “Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công bình” (Hê-bơ-rơ 11:4). Tấm lòng của Ca-in không ngay thẳng với Đức Chúa Trời và em trai của mình. Tấm lòng ấy chứa đầy đố kỵ và giận dữ, điều đó tạo cơ hội cho tội lỗi “rình đợi trước cửa” (Sáng 4:6-7). Ma quỉ đứng bên ngoài chờ đợi để được mời vào. Ca-in đã đóng cánh cửa lòng của mình đối với Đức Chúa Trời và người em trai, nhưng ông lại mở ra cho ma quỉ, và rồi cơn giận bên trong  khiến ông thành kẻ giết người (Ma-thi-ơ 5:21-26). Khi Đức Chúa Trời hỏi Ca-in về sự vắng mặt của người em trai, ông đã phủ nhận  là không biết chỗ ở của A-bên. Giống như cha mình là Satan, Ca-in đã nói dối và giết người (Giăng 8:44).

Kinh Thánh nói đến “đường của Ca-in” (Giu-đe 11). Đó là con đường của kẻ không có đức tin, tìm cách lập sự công bình riêng và mang một chiếc áo tôn giáo. Đó cũng là con đường của Satan, kẻ đã theo đuổi ý tưởng “ta sẽ làm ra mình bằng Đấng rất cao”. Đó là con đường của sự tự cao dẫn đến sự chết đời đời. Cho dù là như vậy, nhưng con đường của Ca-in lại trở nên phổ biến và nhiều người đang đi theo. Tại sao? Chúng ta thử xem xét vấn đề này.

3.NGƯỜI XÂY DỰNG THÀNH PHỐ

Khi Ca-in giết A-bên, ông ta thực sự đã tấn công Đức Chúa Trời, bởi vì A-bên là hình ảnh của Ngài. Qua thực trạng này, Ca-in đã hành động như một kẻ gian ác. “Hễ kẻ nào làm đổ máu người, thì sẽ bị người khác làm đổ máu lại; vì Đức Chúa Trời làm nên người như hình của Ngài” (Sáng 9:6). Thay vì  lấy mạng sống của Ca-in, Đức Chúa Trời làm cho ông sống cũng như chết, Ca-in trở thành kẻ bơ vơ, lang thang trên mặt đất. Ca-in không bao giờ ăn năn về tội lỗi của mình, ông chỉ lằm bằm về nỗi khổ bị trừng phạt đang gánh chịu. Cái chết không đến với Ca-in sau khi ông phạm tội. Để bảo đảm là Ca-in sẽ không bị người khác giết chết, Đức Chúa Trời đã đánh dấu trên người ông theo một cách đặc biệt, nhưng Ca-in sẽ sống phần đời còn lại trong hổ nhục và tội lỗi.

Ca-in chạy trốn khỏi hiện diện của Đức Chúa Trời, ông lang thang về phía đông của vườn Ê-đen, tại đó ông xây dựng một thành phố và cố gắng quên đi quá khứ. Vì hành động giết người của Ca-in, Đức Chúa Trời đã rủa sả đất canh tác (Sáng 4:10-12), Ca-in thôi không theo đuổi nghề nông nữa, ông chuyển sang xây dựng một thành phố. Ca-in trở thành người đặt nền tảng cho “thế gian” – theo cách nói của Kinh Thánh. Trong thành phố đó Ca-in tìm thấy những điều thay thế cho sự ban phước mà ông đã đánh mất vì cớ tội lỗi. Dòng dõi của Ca-in tiếp tục xây dựng những thành phố khác, họ sáng chế ra các nhạc cụ và rèn “các thứ khí giới bén bằng đồng và bằng sắt”. Kế hoạch ban đầu của Đức Chúa Trời dành cho hôn nhân con người đã bị phá vỡ và tình trạng bạo lực giữa con người với nhau bắt đầu xuất hiện (Sáng 4:16-24). Đọc Sáng. 4:

17 Đoạn, Ca-in ăn ở cùng vợ mình,nàng thọ thai và sanh được Hê-nóc; Ca-in xây một cái thành đặt tên là Hê-nóc,tùy theo tên con trai mình. 18 Rồi,Hê-nóc sanh Y-rát; Y-rát sanh Mê-hu-da-ên; Mê-hu-da-ên sanh Mê-tu-sa-ên;Mê-tu-sa-ên sanh Lê-méc. 19 Lê-méc cưới hai vợ; một người tên là A-đa, một người tên là Si-la. 20 A-đa sanh Gia-banh; Gia-banh là tổ phụ của các dân ở trại và nuôi bầy súc vật. 21 Em người là Giu-banh, tổ phụ của những kẻ đánh đàn và thổi sáo. 22 Còn Si-la cũng sanh Tu-banh-Ca-in, là người rèn đủ thứ khí giới bén bằng đồng và bằng sắt. Em gái của Tu-banh-Ca-in là Na-a-ma. 23 Lê-méc bèn nói với hai vợ mình rằng:

Hỡi A-đa và Si-la! hãy nghe tiếng ta;

Nầy, vợ Lê-méc hãy lắng tai nghe lời ta:

Ừ! Ta đã giết một người, vì làm thương ta,

Và một người trẻ, vì đánh sưng bầm ta.

24 Nếu Ca-in được bảy lần báo thù,(r)

Lê-méc sẽ được bảy mươi bảy lần báo oán.  Sáng. 4

Các thành phố, nhạc cụ và âm nhạc, các thứ vũ khí… không có gì sai, nhưng khi con người để Đức Chúa Trời ra bên ngoài bức tranh toàn cảnh của mình thì đó là một thảm họa. Nhưng đây lại là chính xác những gì dòng dõi Ca-in đã làm. Nền văn minh mà Ca-in đã xây dựng rơi vào tình trạng bạo lực và đầy tội lỗi. Đã đến lúc Đức Chúa Trời phải ra tay làm sạch lại thế giới này qua trận đại hồng thủy (Sáng 6:1-13).

[Ca-in là một kẻ giả mạo, và từ cuộc đời ông đã sản sinh ra những đứa con trai và con gái nối tiếp bước chân ông. Khi chúng ta so sánh những cái tên của hậu tự Ca-in (Sáng 4:16-18) với hậu tự của Sết là người thay chỗ của A-bên (Sáng 5), chúng ta thấy có vài điều tương tự lý thú. Hê-nóc/Ê-nót/Hê-nóc (4:7; 5:6, 18). Mê-hu-da-ên/Ma-ha-la-le (4:18; 5:12). Mê-hu-da-ên/Mê-tu-sê-la (4:18; 5:21) và Lê-méc/ Lê-méc (4:18; 5:25). Nhưng dòng dõi của Sết dẫn đến Nô-ê là người công bình đã được cứu cùng với gia đình của ông trong trận đại hồng thủy. Hê-nóc dòng dõi của Ca-in trùng tên với Hê-nóc, hậu tự của Sết, nhưng ông ta không bước đi cùng Đức Chúa Trời giống như Hê-nóc là hậu tự của Sết (Sáng 5:22-24).

Dòng dõi gian ác của Ca-in và dòng dõi tin kính của Sết càng ngày càng trở nên gần nhau, chẳng bao lâu sau đó họ kết hợp cùng nhau (Sáng 6:1-2), và rồi Nô-ê cùng với gia đình của ông được kể là những người công chính mà Đức Chúa Trời tìm thấy lúc bấy giờ. Đức Chúa Trời quyết định quét sạch khỏi mặt đất nền văn minh của Ca-in xây dựng và bắt đầu trở lại với gia đình Nô-ê. Mặc dù vậy, sau sự kiện đại hồng thủy tấm lòng của con người trên đất vẫn tiếp tục băng hoại. Nim-rốt đã khôi phục nền văn minh của Ca-in và xây dựng đế chế Ba-by-lôn (Sáng 18:8-10). Tháp Ba-bên (Sáng 11) là một dự án thách thức Đức Chúa Trời và Ngài phải ra tay khiến cho nó bị dừng lại nửa chừng. Tháp Ba-bên là biểu tượng của xã hội con người loại bỏ Đức Chúa Trời ra ngoài và cố gắng thay thế Ngài bằng sự vinh hiển loài người. Ba-by-lôn lớn là biểu tượng dâm đãng gớm ghiếc trong Khải huyền 17 – 18, nó tương phản với Cô dâu thánh khiết tinh sạch là Hội thánh]

Tất cả các tín hữu chân thật là cư dân của thiên đàng (Lu-ca 10:20; Phi-líp 3:19-20), những người này không thuộc về thế gian mà dòng dõi của Ca-in có thể lôi kéo (Giăng 17:14-17). Chúa Jesus phán trong Lu-ca 16:8, “Vì con đời nầy trong việc thông công với người đồng đời mình thì khôn khéo hơn con sáng láng.” Các con cái của đời này (thuộc dòng dõi Ca-in) biết cách kiếm tiền và giành được “sự thành công” theo cách nhìn của thế gian. Nhưng họ không thể nhìn xa hơn vào cõi đời đời, do đó không thể có sự thỏa lòng thực sự. Những vui hưởng thế gian của họ không bù đắp được sự thiếu hụt bên trong.  [Ba-by-lôn và hệ thống thế gian của nó cuối cùng sẽ kết thúc. Kinh Thánh nói gì về thực trạng này?

“Ba-by-lôn lớn đã đổ rồi, đã đổ rồi!” (Khải 18:2)

“Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.” (IGiăng 2:17)

Leave a Reply